Tuesday, August 7, 2012

Bên Bờ Vực Thẳm


Bên Bờ Vực Thẳm
Phạm Văn Hòa
Mấy chục năm trước tôi cảm thấy nhỏ bé trước sự hùng vĩ của kỳ quan thế giới khi tôi viếng thăm Grand Canyon ở Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy tê buốt nơi sương sống khi nhìn vực sâu và lo nghĩ đến an toàn bên bờ vực thẳm. Nhưng tất cả sự sợ hãi năm nào không thấm vào đâu khi tôi nghĩ là . . . tim tôi sẽ ngừng đập, và bài viết này ghi lại cảm xúc mà tôi đã phải đương đầu. Hôm nay, tôi càng cảm thấy cảm ơn hơi thở mà mình có được mỗi khi thức giấc thấy ánh mặt trời, nghe tiếng chim líu lo, ngắm đóa hoa đầy hương sắc và gặp lại những khuôn mặt thân thương!
***
Tôi cảm thấy đau nhói ở lồng ngực khi vừa bước vào nhà. Tôi đã ở ngoài sân sau cả tiếng đồng hồ coi mấy người Mễ cắt cỏ sau vườn đâu có thấy gì lạ, nhưng khi họ vừa đi khỏi là cảm trong người khó chịu. Có lẽ khí oi bức mùa hè chăng? Mùa hè Houston mấy năm gần đây thiệt nghiệt, nóng bức, oi ả. Hơi lạnh từ máy lạnh trong nhà toát ra làm tôi càng cảm thấy buốt, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi thả người phệt xuống lazy chair, bật ngã thẳng cẳng mà vẫn không bớt chút nào, cơn đau thắt càng tăng nơi lồng ngực bên trái nơi tim. Đầu óc choáng váng. Tôi không còn nhìn rõ cảnh vật quanh mình. Ngồi dậy, tôi quờ quạng đi ra ghế sofa phòng trước, vừa đặt lưng là tay trái tê, rồi tay phải, chân trái, chân phải tê rần như bị kiến cắn. Lồng ngực tôi đau thắt dữ dội. Thoáng trong đầu là mình bị heart attack. Mọi việc xảy ra nhanh quá tôi không còn tự chủ được. Dù vậy tôi cũng mò vào phòng học lấy xâu chìa khóa, cái ví và điện thoại cell, xong lê ra ngoài nằm vật xuống sofa. Cơn đau càng tăng. Chóng mặt, hoa mắt. Mồ hôi nhễ nhại. Lạnh buốt xương. Đúng là tôi bị heart attack! Tôi gọi đứa con. Nó bảo sẽ đến trong vòng mười phút. - Không được. Con gọi ngay 911! Bây giờ môi, mũi và trán tôi bắt đầu tê rần. Đầu óc thật mù mờ. Tôi mang điện thoại ra bấm mà không biết gọi ai. Trong phút kinh hoàng nhất tôi còn đủ tỉnh táo ra mở khóa cửa trước, xong trở vào thay quần áo, vì tất cả trên người tôi đều ướt đẩm mồ hôi. Tôi vào lục tung mớ giấy không biết để tìm gì mà cho đến hôm xuất viện, nhìn phòng học của tôi ngổn ngang như có trộm vào nhà. Nằm chờ đợi xe cứu thương và thân nhân, mỗi phút trôi qua dài tôi chưa từng tưởng. Lồng ngực đau như sắp bị vỡ tung. Mồ hôi tiếp tục vã như có ai xối nước. Cả người tôi tê rần. Đầu óc tôi mù mờ choáng váng và cảm thấy bị ngộp thở. Tôi mong tiếng gõ cửa. Tôi bắt đầu ho. Tôi rán ho, ho đến khàn cả cổ. Tôi nghe tiếng mình thở ào ào, dồn dập, vậy mà vẫn cảm thấy thiếu hơi trong lồng phổi. Sau này tôi được biết là từ bên ngoài mọi người đã nghe tiếng thở labor gấp rút của tôi. Tiếng gỏ cửa. Tôi hổn hển: - Cửa mở vào đi! Cô con của cháu tôi đến. Thấy cháu vừa nói điện thoại, vừa đến thăm hỏi chăm sóc. Miệng tôi ứa ra đầy chất nhờn, đứa cháu vội lấy giấy ra lau. Con trai tôi cũng đến sau đó ít lâu. Cuối cùng tôi loáng thoáng thấy mấy người trong toán medic mang băng ca vào. Lúc đó, tôi còn đủ nhớ để trả lời một vài câu hỏi của họ về tình trạng dị ứng của mình, và thuốc gì tôi đã uống hôm nay. Mọi chuyện xảy ra trong tíc tắc. Khi nằm trong xe cứu thương, người y tá trong toán medic còn cho tôi thêm ba viên aspirine 81 để nhai, nuốt, mà sáng nay tôi đã uống 1 viên như từng uống cả mấy năm nay. Cơn đau vẫn chưa suy giảm, họ xịt loại thuốc gì đó dưới lưỡi đến lần thứ hai thì cơn đau có dịu đi phần nào. Họ bắt đầu chuyền nước biển và gắn máy đo nhịp tim tôi vào hệ thống của nhà thương Methodist hospital. Cho đến khi xe cứu thương vào cửa emergency, thì toán cứu cấp của nhà thương đã sẳn sàng chờ. Mọi thủ tục cấp cứu được hoàn tất trong thời gian kỷ lục, và tôi được tức tốc đưa vào phòng để mổ trị liệu. Tôi lờ mờ, cho đến khi tỉnh lại thì vị bác sỉ cho biết là tôi bị nghẽn ba mạch tim, và ông ta đã đặt stent (*) vào một chỗ lớn nhất bị block 100%. Sau đó, tôi nằm lại nhà thương chờ bốn hôm, bác sĩ đặt thêm một stent nữa vào chỗ khác bị block 90%. Lần procedure sau này được luồn qua cùng đường gân, nên máu ra nhiều hơn lần đầu, và tôi phải nằm "chết" trên giường không lay động chân phải, nơi đường gân được dùng, khoảng sáu giờ. Máu tạm ngưng, nhưng khuya hôm đó lại rỉ chảy tiếp. Cuối cùng, mọi việc cũng tạm ổn, sức khỏe dần dà hồi phục và tôi xuất viện ngày sau đó.
***
Hai tuần lễ trôi qua. Một biến chuyển sinh tử đời người. Hôm nay ngồi ôn lại những gì tôi đã trải qua để cảm thấy cuộc đời sao ngắn ngủi. Cuộc sống của tôi từ nay sang một ngỏ rẽ khác. Nhất là việc ăn uống phải kiêng cử, dù bác sĩ cho biết là tôi không phải bị hạn chế trong mọi sinh hoạt. Vài phút ngắn ngủi quyết định cuộc đời con người. Có ai lâm vào hoàn cảnh này mới cảm thấy mỗi sáng thức dậy được thấy ánh mặt trời là điều ân sũng. Hằng ngày được nghe tiếng nói, được nói lên lời yêu thương là điều nên làm. Con cháu, thân quyến, bè bạn là những hình ảnh thân thương, ấp ủ, quý mến. Được nghe bài ca hay, đọc bài thơ, áng văn để thấy cuộc đời thiệt nhiều uẩn khúc, bao nhiêu câu hỏi thiệt khó tìm lời giải đáp. Bởi số phận con người đã được an bài. Những đóa hoa xinh xắn sau vườn, mảng cỏ xanh . . . vạn vật quanh ta, cả vũ trụ sẽ không hề thay đổi cho dù có sự hiện hữu của mình hay không. Tất cả sẽ nằm ình ra đó, mình không mang theo được. Tiền tài, danh vọng cũng sẽ phải để lại sau lưng. Nhưng có một thứ mà ta ta có thể mang theo như là hành trang là tình người, tình bạn, tình yêu. Và hôm nay tôi cảm thấy trân quý hơn bao giờ hết. Nhìn những khuôn mặt thân thương, những khuôn mặt lo lắng ưu tư, những cặp mắt che dấu cảm xúc khi đến thăm, tôi đọc, tôi hiểu và tôi rất cảm ơn cảm tình và sự yêu thương mà bạn bè thân quyến giành cho mình. Từ hôm xuất viện đến nay kể có hơn mười ngày rồi. Sức khỏe dần dà hồi phục. Đêm đêm trong giấc ngủ cô đơn từ nay tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa, vì trái tim tôi vẫn nhịp đều cho tôi cuộc sống với tình yêu thương tuyệt vời. Bây giờ tôi đã đến bờ vực thẳm cuộc đời . . . mà bảy mươi năm qua, tôi vô tâm đến độ không biết là có một trái tim lúc nào cũng gỏ nhịp, đồng hành cùng tôi; tôi vô cảm đến độ không hề quan tâm đến sự làm việc miệt mài của trái tim đã cho tôi cuộc sống, cho tôi tình yêu! Từ lâu tôi lắng nghe tiếng nói con tim của người mà quên đi tiếng nói con tim của chính mình . . . thật là điều thiếu sót. Và từ nay, tôi sẽ giành tâm tình để tâm sự cùng con tim và lắng nghe từng nhịp tim như khúc nhạc êm đềm . . . nhất là trong đêm khuya thanh vắng, Và đây là lời tâm sự cùng người bạn con tim:
Sáng nay mày có khỏe hay không?
Đêm tao thao thức bấy nhiêu lần
Lắng nghe mày nhịp đều đêm vắng
Mày cho tao giấc ngủ thiên thần!
Trưa nay nắng nóng mệt quá trời
Mình kiếm chỗ nào nghĩ xả hơi
Tựa bóng cây nhìn trời, mây, nước
Mày khỏe, tao suy ngẫm sự đời
Chiều rồi giờ mới được thảnh thơi
Ánh dương vừa khuất bóng sau đồi
Trăng lên, chim chóc bay về tổ
Hai đứa mình tìm chút nghỉ ngơi
Hai đứa song hành bấy nhiêu năm
Cuộc đời qua bao nỗi thăng trầm
Đừng giận để lòng tao đau nhói
Mày tao thù tạc . . . mặc thế sự đầy vơi!!!!

Tôi được sanh ra và sống đến hôm nay là nhờ công sức của chính tôi, những người chung quanh tôi, của cộng đồng, xã hội, đồng đội, thân quyến và đặc biệt là cha mẹ đã cho tôi hình hài, hơi thở và con tim. Thế mà lắm khi mình không nhận thức được. Và cho dù trễ nhưng không quá muộn màng, từ nay tôi phải nhớ những gì mình đã thụ hưởng, phải biết ơn những người đã cho tôi tình yêu thương, để nói lời cám ơn tự đáy lòng, bằng tiếng nói phát xuất tự con tim của chính mình . . .
Phạm Văn Hòa,
Tháng 8, 2012
(*) Stent: Là một cơ phận y khoa nhỏ, khi được mở rộng thì giống như lò xo ở đầu cây bút nguyên tử (ball point pen). Sau khi dùng phương pháp "Angioplasty Procedure" để mở thông động mạch bị nghẽn, cơ phận này được đưa đến và mở ra theo như kích thước của mạch máu bệnh nhân, để giúp máu thông thương. Theo thời gian, vách của động mạch lành lại xung quanh stent.